Thứ sáu, 29-03-2024, 10:50 AM;
Xin chào Guest | RSS

Săn bắn dưới nước

Publisher

Main » Bài viết » Dụng cụ lặn bắn cá. » Kính lặn

Lựa chọn kính lặn. (Fr :masque ; En :mask)
Có rất nhiều loại kính lặn, bạn chú ý phân biệt kính lặn và kính bơi. Kính bơi thường có 2 mắt kính nhỏ, kính bơi chỉ chụp kín 2 mắt. Kính lặn thường chỉ có 1 mắt kính lớn chụp kín nửa khuôn mặt kể cả lỗ mũi. Kính lặn có 3 bộ phận chính:
 - Mắt kính, thường làm bằng thủy tinh hoặc loại mica đặc biệt phẳng chứ không cong (như kính bơi). Có một số kính lặn rẻ tiền có mắt kính làm bằng nhựa hoặc loại mica thường thực tế là không sử dụng được. Mắt kính có cấu tạo phẳng để có thể nhìn thấy xung quanh chân thực nhất. Trên mắt kính có thể dán thêm một lớp lăng-tin giúp cho các bạn bị quá cận hoặc quá viễn có thể nhìn rõ dưới nước mà không cần phải đeo kính. Tuy nhiên chuyện mua được lăng-tin không phải dễ vì không phải cửa hàng nào cũng có bán, đôi khi phải đặt mua trên mạng hoặc đặt hàng ở cửa hàng chuyên bán đồ lặn. Sử dụng kính có dán lăng-tin cũng hết sức cẩn thận vì nếu để tuột kính ra thì đồng nghĩa với việc lăng-tin trôi theo nước biển.
 - Caosu trùm mặt, là bộ phận caosu được dán liền với mắt kính, có nhiệm vụ trùm hết nửa khuôn mặt mục đích là ngăn không cho nước lọt vào. Các kính lặn hiện nay đại đa số bộ phận này làm bằng silicon do tính ưu việt của nó về độ bền, độ đàn hồi, dễ gia công, chế tác. Tùy theo chất lượng của silicon mà giá cả của kính cao hay thấp. Hình dáng của bộ phận này có nhiều kiểu khác nhau, màu sắc cũng khác nhau. Khi lựa chọn các bạn nên lựa chọn loại có tầm nhìn rộng nhất để khỏi phải quay đầu hay ngẩng lên, cúi xuống khi lặn.
 - Dây đeo, làm bằng silicon hoặc caosu, có rất nhiều loại, các bạn nên chọn loại có phần dây chạy qua ngang lỗ tai nhỏ thôi. Lý do như sau: đối với môn lặn này ta thường phải treo ống thở lên dây đeo kính, nếu dây ở phần này quá to thì ống thở không thể điều chỉnh dễ dàng đến vị trí ta muốn, đối với môn lặn dùng bình dưỡng khí thì lý do này không cần thiết. Chọn loại dây đeo có phía sau gáy to bản (thường được tách ra làm 2 nhánh) để sợi dây ôm sát với đầu hơn.

Kính lặn theo tôi có lẽ là món đồ nghề quan trọng nhất trong môn lặn bắn cá và cũng là món khó lựa chọn nhất vì thực tế chẳng có công thức nào để lựu chọn cả ngoài việc thử sử dụng. Có một vài chi tiết sau các bạn cần chú ý khi lựa chọn:
Quan trọng nhất là tìm được cái kính vừa khít với khuôn mặt của mình để không bị nước vào. Khi đi mua kính thì mình nhất thiết phải tự đi thử (người khác trả tiền cũng không sao). Khi lựa chọn người bán hàng thường tư vấn mình cách thử như sau: úp kính lên mặt không đeo dây, hít hơi vào đằng mũi rồi bỏ tay ra nếu cái kính không rơi xuống là được. Tuy nhiên cách thử như vậy không chắc chắn, vì vậy tốt nhất là nên thỏa thuận trước với người bán xin được đổi lại nếu như bị lọt nước khi dùng thử. Yêu cầu của kính lặn là khi ta đeo kính dưới nước kể cả trong trường hợp dây kính trùm ra ngoài mũ lặn và khi ta co giãn da mặt cũng không bị nước lọt vào. Nếu không được như vậy và không thể kiếm được cái nào khác tốt hơn ta có thể đeo vào phía trong của mũ lặn, cách này cũng giảm đáng kể nguy cơ lọt nước vào trong kính.





Hình dáng của kính lặn bắn cá (Hình 1A) thường hơi khác với kính lặn khác(Hình 1B), nó hơi nhỏ hơn, hơi vát ở phía trên tuy nhiên tiêu chuẩn về hình dáng này không quan trọng. Về màu sắc, cũng như các đồ nghề khác chúng ta nên chọn màu ngụy trang hoặc màu đen. Khi sử dụng có một số kinh nghiệm sau mà chúng ta cần chú ý: Khi chụp kính lên mặt phải chụp cho cân đối, không để bị kẹt tóc hay lông mày giữa caosu va da mặt, phải cạo sạch ria mép (hihi nếu bạn nào muốn để lại bộ râu thì tùy). Khi xiết dây đeo, hai tay nắm lâý hai sợi dây (phần ngắn phía ngoài) kéo đều cả 2 tay (Hình 2A) vừa đủ để kính áp sát vào da mặt, không nên xiết chặt vì như thế ta sẽ cảm thấy rất khó chịu nhất là khi lặn xuống sâu, lúc đó áp lực nước bên ngoài sẽ làm cho kính ép chặt vào hơn. Khi đeo kính lặn (cũng như kính bơi) chuyện khó chịu nhất là là hơi nước ở phía trong bốc lên bám vào mặt trong của kính, làm chúng ta không nhìn thấy gì cả mà cũng không làm cách nào lau được, có một số mẹo nhỏ sau để ngăn không cho hơi nước bám lên mặt kính: Dùng antifog bán ở cửa hàng (là một loại keo xịt) dùng thứ này tốt nhất, tuy nhiên là tốn tiền, xịt trước khi xuống nước khoảng 15 - 30 phút. Trước khi đeo kính lên khỏa kính xuống nước cho đi hết chất keo bám trên mặt kính vì chất keo này vào mắt sẽ rất sót và hại mắt. Nhớ là chỉ khỏa kính xuống nước thôi, không nên dùng tay hay khăn vải để cọ, vì nếu làm như vậy sẽ mất tác dụng chống hơi nước. Cách khác, nếu không có antifog ta dùng dầu tắm, dầu gội đầu hoặc kem đánh răng thay thế, và cũng làm như làm với antifog. Nếu không có thứ gì cả thì rửa sạch kính sau đó nhổ vào mặt kính vài bãi nước bọt cũng tạm sài được. Cách khác nữa, để kính khô, dùng một cái khăn khô, sạch, loại 100% coton (nhớ là 100% coton, nếu dùng khăn nilong xước kính ráng chịu) xoa đều nhanh và mạnh lên mặt trong của kính cho đến khi cảm thấy mặt kính nóng lên thì thôi. Thử lại bằng cách dùng miệng hà hơi lên mặt kính, thấy hơi nước không bám lên là được. Dùng cách này có cái tiện lợi là ta có thể đeo kính khô và đeo trước khi xuống nước rất hữu ích khi lặn ở nước lạnh. Nếu kính của bạn tốt thì có khi từ lúc xuống đến lúc lên không có một giọt nước nào dính vào một nửa khuôn mặt của bạn cả. Về bảo quản, không để vật nhọn, sắc làm trầy mắt kính hoặc rách caosu. Rửa sách ngay sau khi dùng, không dùng loại hóa chất tẩy rửa quá mạnh vì tác dụng hóa học của nó có thể làm hỏng silicon. Không nên phơi kính dưới ánh nắng mặt trời vì có thể bị nóng chảy silicon hoặc caosu.
Chủ đề: Kính lặn | Người đăng: Luulac (11-11-2011)
Số lần đọc: 1709 | Đánh giá: 0.0/0
Tổng số nhận xét: 0
Name *:
Email *:
Code *:
Site menu
Form đăng nhập
Đánh giá
Rate my site
Số lần đánh giá: 14
Đang online

Tổng số người đang xem 1
Khách: 1
Thành viên: 0